Bảo trì góp phần kéo dài tuổi thọ công trình xây dựng
Bảo trì công trình xây dựng (CTXD)là công tác quan trọng góp phần giảm chi phí đầu tư, đồng thời kéo dài tuổi thọ công trình, đảm bảo chất lượng, an toàn trong quá trình khai thác và vận hành. Mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 11/2012/TT-BXD về hướng dẫn lập và quản lý chi phí bảo trì CTXD.
Những sự cố này sẽ không xảy ra nếu được kiểm tra, bảo trì thường xuyên.
15% số công trình được kiểm tra chất lượng?
Theo Thông tư 11 thì chi phí bảo trì công trình được xác định là mức chi phí cần thiết để hoàn thành một số hoặc toàn bộ phạm vi quy trình bảo trì CTXD, theo đúng các phương pháp, đủ các khoản mục chi phí theo quy định và phù hợp với quy mô, yêu cầu thiết kế của công trình, quy trình bảo trì công trình...
2% là khoản phí phải nộp thêm (trên tổng giá trị căn hộ) ngay từ khi người dân ký hợp đồng mua căn hộ tại các khu chung cư, tái định cư trên địa bàn Hà Nội. Số tiền này được dành cho công tác bảo hành, bảo trì tòa nhà, nhưng không ai biết khoản tiền này đang ở đâu và sử dụng vào việc gì. Tại các khu tái định cư như Nam Trung Yên, Đền Lừ, hay khu 5,3 ha Dịch Vọng... tình trạng thang máy hỏng, máy bơm nước hỏng, hệ thống gas trục trặc thường xuyên xảy ra. Việc khắc phục sự cố mất vài ngày, điều này đồng nghĩa với việc người dân phải leo cầu thang bộ, mất nước, mất gas...
Để những sự cố này không xảy ra, chủ đầu tư, cùng Ban đại diện cư dân lên kế hoạch kiểm tra công trình thường xuyên, định kỳ, đột xuất...đảm bảo công trình vận hành an toàn. Tại điều 5, Thông tư 11 cũng nêu rõ, chi phí bảo dưỡng công trình bao gồm chi phí cho việc theo dõi, chăm sóc, sửa chữa hư hỏng (như quạt hút gió, thay van đường ống...), duy tu thiết bị lắp đặt vào công trình được xác định theo mức tỷ lệ phần trăm (tại Phụ lục 1 kèm theo thông tư này)...
Ông Phạm Văn Khánh – Vụ trưởng Vụ Kinh tế Xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết: Theo Thông tư 11, thì chủ đầu tư tổ chức lập quy trình bảo trì công trình ngay từ giai đoạn thiết kế, tổ chức thẩm định, thẩm tra làm cơ sở để phê duyệt trước khi nghiệm thu để đưa công trình vào khai thác. Sau khi CTXD đưa vào khai thác, sử dụng thì chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền phải có trách nhiệm lập kế hoạch bảo trì theo quy trình được duyệt và chi phí bảo trì hàng năm. Nguồn kinh phí bảo trì công trình được thự hiện theo quy định tại Điều 19, NĐ 114/2010/NĐ-CP.
Hiện nay, công tác quản lý CLCT xây dựng chủ yếu được tập trung thực hiện đối với các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách do địa phương quản lý. Tỷ lệ số công trình được kiểm tra chiếm khoảng 13-15% số lượng công trình. Việc lập quy trình bảo trì và thực hiện bảo trì CTXD còn chưa được quan tâm đúng mức; nhiều chủ đầu tư chưa quan tâm đúng mức đến công tác quan trắc công trình; tại nhiều dự án hồ sơ pháp lý và hồ sơ quản lý CLCT chưa đầy đủ và còn sai sót. Số lượng công trình bị sự cố chiếm khoảng 0,08% trên tổng số 51.600 công trình trên cả nước.
Bảo đảm an toàn cho công trình
Công tác bảo trì công trình từ lâu không được chú ý chặt chẽ, chỉ khi nào công trình bắt đầu hư hỏng thì mới bảo trì, sửa chữa. Điều này không khác gì chuyện thấy bệnh thì chữa, không thấy bệnh thì không phòng ngừa.
Câu chuyện tháp truyền hình cao 180m bị đổ sập trong bão tại tỉnh Nam Định là bài học đắt giá cho công tác bảo trì CTXD. Việc kiểm tra định kỳ, thường xuyên chưa chú trọng, kiểm tra đột xuất còn hạn chế, khi xuất hiện hư hỏng mới bắt đầu kiểm tra chi tiết, tiến hành khắc phục thực chất đây chỉ là biện pháp chống chế.
Ông Nguyễn Tất Sơn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nam Định cho biết: Do nguồn ngân sách từ địa phương còn hạn hẹp nên các chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình thường không quan tâm đúng mức về công tác bảo trì CTXD. Công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất, đánh giá CLCT thường xuyên bị các chủ sở hữu “quên” do thiếu vốn. Để bảo đảm an toàn cho công trình, Sở đã yêu cầu các địa phương tập trung rà soát tăng cường lồng ghép các nội dung quy trình bảo trì công trình trong các buổi tập huấn cho các đối tượng tư vấn thiết kế, các doanh nghiệp tư vấn thiết kế trên địa bàn.